19.8.09

Lợp ngói hay dán ngói? (Bài 2)

ĐÓNG VÀ MỞ

Nói về cấu trúc mái, các chuyên gia chia làm hai loại chính là mái có cấu trúc đóng (gọi tắt là mái đóng) và mái có cấu trúc mở (mái mở). Ở Thái Lan, 100% mái nhà là mái mở. Tại Việt Nam, theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, hiện khoảng 80% mái nhà là mái mở. Tuy nhiên, xu thế sử dụng mái đóng ngày càng thịnh hành ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thế nào là mái đóng/ mái mở; các tính chất vật lý chủ yếu và thử phân tích nguyên nhân tại sao mái đóng ngày càng được sử dụng nhiều ở Việt Nam.

MÁI NHÀ CẤU TRÚC MỞ


Mái có cấu trúc mở là mái không có một lớp ngăn cản nước hay chống thấm dột nào khác ngoại trừ ngói lợp. Nghĩa là bên dưới ngói không còn một lớp nào khác. Thông thường mái mở sử dụng hệ kèo - rui - mè để gắn vật liệu lợp. Việc tính toán kết cấu kèo - rui - mè xin để dành cho các kỹ sư kết cấu, Chúng ta chỉ bàn đến vai trò của ngói lợp trong hệ mái.

Trong hệ mái mở, khả năng chống dột, chống rò rỉ nước phụ thuộc hoàn toàn vào ngói lợp. Nếu ngói lợp không đảm bảo công năng ngăn cản nước thâm nhập vào phần dưới mái, nước sẽ dễ dàng vào nhà, chảy giọt lên trần và thế là mái bị dột. Bạn sẽ điên đầu vì đủ thứ phiền toái mà một cái mái dột có thể gây nên. Ngói lợp trong hệ mái mở, vì thế, thường được gọi là "ngói chức năng" (functional tile). Bởi không có một lớp nào bên dưới mái ngói, mái nhà có cấu trúc mở cho phép luồng không khí nóng ở phần áp mái thoát ra ngoài qua đoạn chồng nhau giữa các viên ngói. Vì vậy, người ta vẫn gọi mái nhà có cấu trúc mở là mái biết thở.

Mái nhà có cấu trúc mở:
- Ngói lợp đảm bảo công năng là chính
- Mái nhà biết thở

MÁI NHÀ CẤU TRÚC ĐÓNG

Mái nhà có cấu trúc đóng là mái có một lớp vật liệu chống xuyên nước phía dưới ngói lợp. Lớp vật liệu này có thể là một mái bê tông, như người dân Việt Nam vẫn chuộng sử sụng, cũng có thể là một lớp tôn sóng, một lớp sàn gỗ hay là tấm giấy dầu chống thấm như trong các hình minh họa dưới đây:









Đặc điểm của mái cấu trúc đóng hoàn toàn đối ngược với mái cấu trúc mở. Ngói lợp không đảm nhiệm công năng che nắng che mưa mà mang tính trang trí là chính. Dù rằng ngói không thực hiện đúng công năng của mình, mái nhà của bạn cũng chẳng bị hề hấn gì bởi phía dưới lớp ngói đã có một lớp vật liệu khác làm nhiệm vụ ngăn nước. Có thể nói rằng, trong trường hợp này, ngôi nhà của bạn được bảo vệ đến hai lớp. Tuy nhiên, sử dụng hai tầng bảo vệ không có nghĩa là mái nhà của bạn được đảm bảo chống dột hoàn toàn bởi nếu không cẩn trọng, cả hai lớp bảo vệ này đều có thể bị “thủng”, nghĩa là, nước vẫn có thể thâm nhập vào nhà dễ dàng. Cũng bởi mái nhà “không biết thở” nên người ta gọi mái nhà có cấu trúc đóng là mái chết (dead roof).

Mái nhà có cấu trúc đóng:
- Ngói lợp thiên về tính trang trí
- Mái không thở

MÁI BÊ-TÔNG, MÔ HÌNH MÁI ĐÓNG ĐẶC THÙ Ở VIỆT NAM



Theo nghiên cứu của chúng tôi, những nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều chủ nhà lựa chọn mái bê tông là:
- Ngăn ngừa kẻ trộm thâm nhập vào nhà
- Chống nóng
- Chống thấm
- Chống ồn
- Giữ cho khoảng áp mái sạch sẽ, không bị bụi bẩn trong không trung
- Tăng cường độ bền vững cho mái khi gặp gió bão.

Trái với nhận định của hầu hết các vị chủ nhà, khá nhiều nhà thầu, kỹ sư xây dựng lại đánh giá khá tiêu cực về mái bê tông. “Nhược điểm của giải pháp này là kết cấu bê tông nặng nề, tốn kém cho hệ dầm, cột và móng. Mái bê tông có hệ số tản nhiệt thấp, do vậy rất nóng về mùa hè. Hơn nữa do Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều, nhiệt độ chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm, lúc nắng và lúc mưa rất lớn do vậy gây co ngót mạnh cho mái bê tông. Sự co ngót của bê tông là nguyên nhân gây ra vỡ ngói dán bên trên làm thấm, dột mái bê tông. Những nhược điểm này thường chỉ được nhận ra sau khi đã đưa công trình vào sử dụng. Việc xử lý thấm dột của mái bê tông dán ngói là cực kỳ khó khăn và không triệt để do phải đục bỏ toàn bộ phần ngói và xử lý bằng các loại chất chống thấm.” - Theo BluescopeSteel.com.vn

Với gần 40 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất – kinh doanh ngói màu cộng với việc thấu hiểu khách hàng Việt Nam hơn bất kỳ một nhà sản xuất nào khác, các chuyên gia ngói lợp từ CPAC Monier Việt Nam đã đưa ra một giải pháp hợp lý, vừa thỏa mãn thị hiếu sử dụng mái bê tông của các vị chủ nhà, vừa đảm bảo tính an toàn cho mái, giúp các vị kỹ sư xây dựng, nhà thầu… an tâm hơn khi dùng ngói màu cho mái bê tông. Giải pháp mà các chuyên gia ngói lợp đưa ra là gì? Xin xem bài sau sẽ rõ.

18.8.09

Lợp ngói hay dán ngói? (Bài 1)

Mái nhà ngày càng trở thành một bộ phận quan trọng của mỗi ngôi nhà. Nó không chỉ đảm bảo chức năng che chắn ngôi nhà khỏi nắng gió, mưa bão mà còn là nơi thể hiện khiếu thẩm mỹ và phong cách, đẳng cấp của chủ nhân ngôi nhà. Chính vì thế, việc thi công lắp đặt ngói lên mái nhà ngày càng được xem trọng.

Khoảng 5 năm về trước, phần lớn mái nhà ở Việt Nam sử dụng kết cấu mở (kèo - rui - mè). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sau nhiều cơn bão lớn trái mùa ập vào nước ta, người dân bắt đầu quan tâm đến việc sử dụng mái bê tông thay cho hệ rui mè truyền thống. Cũng từ đây, các nhà thầu xây dựng, các vị kiến trúc sư và chủ nhà bắt đầu có một mối quan tâm mới: Nên lợp hay dán ngói cho mái nhà.

Trên các tạp chí và diễn đàn (forum) chuyên ngành, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều nhau. Đáng chú ý là bài viết trên tạp chí Nhà Đẹp được nhiều tờ báo và diễn đàn online khác trích dẫn lại. Kết luận từ bài báo trên là: Nên chọn cách lợp bằng hệ kèo thép đối với hệ mái lợp ngói của nhà ở và dĩ nhiên phải có thiết kế chi tiết, tính toán số lượng đòn tay, rui, mè chính xác. Còn biện pháp dán ngói vẫn có thể dùng đối với những chi tiết mái có diện tích nhỏ (vì khi đó khối lượng bê tông giảm nên sự co ngót ít) như mái cổng, mái viền trên cửa, mái hắt ban công. Và theo ý kiến nhiều kiến trúc sư kinh nghiệm thì về mặt thẩm mỹ, một bộ mái ngói được lợp đầy đủ với rui-mè-đòn tay bên dưới nhìn lên trông vẫn “đúng kiểu” hơn, đem lại sự thụ cảm đầy đủ về cấu trúc hơn so với ngói dán lên một tấm bê tông phẳng.

Nhằm giúp Quý vị chủ nhà và các nhà thầu xây dựng có được hiểu biết đúng đắn về việc lắp đặt ngói trên mái nhà, được sự giúp đỡ của các Chuyên gia ngói lợp từ CPAC Monier VIỆT NAM, NgoiPhang Blog sẽ khởi đăng loạt bài: Mái nhà, nên lợp hay nên dán ngói?

Xin lưu ý, loạt bài này chỉ bàn đến việc lắp đặt ngói màu (thường gọi là ngói xi măng/ ngói bê tông). Với các loại ngói khác như ngói đất nung, ngói tráng men... xin xem kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

10.8.09

Câu chuyện mái nhà

Trong quá trình thi công xây dựng, mái nhà thường nằm ở công đoạn cuối. Thi công xong phần mái là gia chủ có thể yên tâm tới 90%. Điều đó cũng như đóng một dấu ấn quan trọng cho một quá trình. Không chỉ là một bộ phận của kiến trúc để che nắng che mưa, mái nhà còn có ý nghĩa hơn thế để chỉ về một nơi cư trú hay một khái niệm cao hơn về một sự sum họp, hạnh phúc quây quần.

Mái nhà - có tự bao giờ?

Mái nhà có tự lâu lắm rồi, khi mà chưa có các khái niệm về khoa học xây dựng hay nghệ thuật kiến trúc. Từ xa xưa con người đã biết tìm những nơi trú ẩn và sinh hoạt trong các hang đá – đó chính là những mái nhà đầu tiên.

Mái ngói cổ ở làng Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây

Và rồi sau đó, không thể phụ thuộc mãi vào thiên nhiên, những túp lều, những ngôi nhà… ra đời bằng bàn tay và khối óc của con người. Mái nhà và kiến trúc song hành cùng sự tiến bộ của cả nhân loại.

Suốt chiều dài lịch sử, kiến trúc đã thay đổi rất nhiều cùng khoa học công nghệ, xã hội; những mái nhà cũng thay đổi theo. Nhưng khát vọng, mơ ước về một mái nhà hoàn mỹ trên nhiều phương diện vẫn đeo đuổi con người.

Từ những mái nhà dân gian…

Trong kiến trúc dân gian Việt Nam, mái nhà khởi nguồn bằng những vật liệu có nguồn gốc thiên nhiên. Mỗi địa phương có một loại mái – một loại vật liệu đặc thù cho mái. Ở miền Bắc có mái tranh, mái rơm – rạ, mái cọ… miền Nam sử dụng nhiều lá dừa để lợp mái. Kết cấu khung mái là tre, gỗ với những liên kết mộng, chốt, hay thậm chí buộc bằng lạt tre (ở miền Bắc), dây dừa (ở miền Nam)… Những mái nhà nguyên sơ này vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng quê Việt Nam.

Mái nhà tiếp theo chính là mái ngói đất nung. Mái ngói đã trở thành một hình ảnh điển hình trong kiến trúc truyền thống Việt Nam. Mái ngói cùng hệ kết cấu khung gỗ là một sự kết hợp tuyệt vời của vật liệu với vật liệu, của kiến trúc và điêu khắc. Mái nhà dân gian có bốn mái hoặc hai mái, các công trình nhà ở quy mô nhỏ thường là hai mái.

Mái nhà dân gian truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ

Tuỳ từng loại công trình mà mái ngói đi kèm với những chi tiết trang trí khác ở bờ nóc, bờ chảy, đầu đao, diềm mái... Nhiều hình tượng và những ước mơ, khát vọng của con người được lồng ghép vào những chi tiết trang trí trên mái hay ở hệ khung vì kèo gỗ.

Thời gian đã minh chứng cho sự trường tồn về giá trị thẩm mỹ, bền vững và những yếu tố công năng phù hợp của mái ngói với khí hậu và tập quán con người Việt Nam. Mỗi nơi và mỗi thời kỳ có từng loại mái ngói và ngói khác nhau, tạo nên sự đa dạng, phong phú. Cho tới bây giờ, mái ngói vẫn không hề cũ.

… cho tới 1.001 loại mái

Khi người Pháp vào Việt Nam, họ đã mang theo nhiều lối kiến trúc mới từ phương Tây. Những kiến trúc mới này, cùng vật liệu và kỹ thuật xây dựng hiện đại đã làm thay đổi bộ mặt đô thị Việt Nam. Nhiều hình thức mái mới đã xuất hiện, trong đó đáng kể nhất là mái măng-sác (mansard), lợp ngói ác-đoa (ardoise) ở những công trình công sở theo phong cách tân cổ điển.

Những công trình này được thiết kế rất mẫu mực và còn lại khá nhiều. Điều kỳ lạ là cho tới bây giờ, hình thức mái này vẫn được sao chép lại khá nhiều cho đủ thể loại công trình với những kết cấu và vật liệu hoàn toàn khác.

Người Pháp cũng đã để lại một số lượng lớn các biệt thự ở các đô thị Việt Nam, mà bây giờ chúng ta vẫn thường gọi là biệt thự Pháp. Đa phần các biệt thự này sử dụng mái dốc lợp ngói với hệ kết cấu vì kèo gỗ kết hợp với tường thu hồi. Cũng là mái ngói nhưng hình thức mái biệt thự khá đa dạng trong mỗi phong cách kiến trúc khác nhau.

Những mái ngói lô xô của phố cổ chỉ còn trong ký ức

Đã có một thời kỳ, ở cả đô thị lẫn nông thôn, khi xi măng, sắt thép không còn hiếm nữa thì việc “bằng hoá” (đổ mái bằng) cái mái là một mục tiêu phấn đấu của mọi nhà. Không thể phủ nhận mái bằng – đổ bê tông kiên cố hơn mái ngói, bền vững hơn. Nhưng nếu xét toàn diện thì mái bằng không phải toàn ưu điểm.

Mái bằng đổ bê tông thoát nước kém, hấp thụ nhiệt lớn… khả năng thích nghi với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều không tốt. Bên cạnh đó mái bằng có phần nào hạn chế thẩm mỹ công trình so với mái ngói, mái dốc.

Và cũng một thời kỳ, khi kinh tế khá giả, khi có điều kiện tiếp cận với thông tin thì người dân xây nhà tự đưa những kiểu mái mà họ thích vào ngôi nhà của họ. Kết quả có nhiều mái chóp, mái “củ hành”… và nhiều loại mái có kiến trúc xa lạ với khí hậu và văn hoá Việt Nam. Trong khi ở Hà Nội mái chóp dán ngói nhiều tới mức người ta hát: “Em ơi, Hà Nội chóp”; thì mái Nhà hát lớn được copy khắp nơi trên tỉnh thành phía Bắc, từ công sở tới nhà dân.

Bây giờ có tới 1.001 loại mái khác nhau. Sự lựa chọn hình thức mái, vật liệu mái cho kiến trúc sư và cả chủ nhà là… thoải mái. Tuy nhiên, hiện nay vai trò của kiến trúc sư được đánh giá đúng mức hơn nên các dạng mái “quái chiêu”, mái “vô duyên”… cũng dần ít đi.

Mái ngói Nhà Thái Học - Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), công trình được phục dựng theo đúng kiến trúc truyền thống

Mặt đứng thứ năm của công trình

Nếu quy một ngôi nhà hay một công trình kiến trúc về một hình không gian ba chiều (3D) đơn giản nhất là một hình hộp, có sáu mặt – không kể một mặt đáy không nhìn thấy, thì mái nhà được coi là mặt đứng thứ năm. Nếu như ngày xưa khái niệm mái bằng chưa có thì rõ ràng mặt đứng nào của nhà cũng nhìn thấy mái (dốc).

Nói một cách khác, mái góp phần lớn trong việc tạo nên hình thức, hình dáng công trình. Chính vì vậy tương quan tỷ lệ mái với công trình, quan hệ chất liệu, màu sắc ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ chung của công trình. Ngày nay có nhiều công trình mái bằng – nhưng không có nghĩa là chúng không bị nhìn thấy. Trong đô thị hiện đại, điểm nhìn không chỉ là từ mặt đất. Khi ta đứng trên tầng cao của một toà nhà cao tầng, nhìn xuống ta sẽ thấy rõ ý nghĩa của mặt đứng thứ năm như thế nào.

Thậm chí, nhìn mặt đứng thứ năm này có thể nhận biết ngay được trình độ quy hoạch, trình độ quản lý đô thị, mức sống và nhận thức… của cả một đô thị. Ở các đô thị Việt Nam hiện nay, nếu đứng ở điểm nhìn cao đó, ta có thể nhận thấy ngay là toàn mái tôn và bồn nước inox.

Nhà hát lớn, công trình có mái bị sao chép lại nhiều nhất

Chỉ nói riêng khía cạnh thẩm mỹ điều đó thật đáng buồn. Hình ảnh mái tôn và bồn nước inox cho thấy một sự bế tắc trong cả khía cạnh sáng tạo kiến trúc và giải pháp kỹ thuật. Vì lẽ đó chăng mà nhiều khu đô thị mới bắt buộc các nhà biệt thự phải có kiến trúc mái dốc, mái ngói - để hạn chế mái bằng lợp tôn và bể inox? Thế nhưng đó thuần là một mệnh lệnh hành chính chứ không phải cái gì thuộc về bản chất kiến trúc, bởi vì người ta vẫn có thể đặt được bồn inox lên mái dốc.

Việt Nam là nước nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều – là một điều kiện thuận lợi cho rêu mốc phát triển trên bề mặt kiến trúc, đặc biệt là mái. Việc lựa chọn và sử dụng hình thức mái và vật liệu mái phù hợp không bao giờ là đơn giản.

Những xu hướng tương lai

Những năm gần đây, sau khi đã chán mái bằng bởi sự cứng nhắc, người ta đã trở lại nhiều với mái dốc với mục đích tìm kiếm một sự duyên dáng, hay một tinh thần dân tộc. Mái dốc được sử dụng khá nhiều, thậm chí với cả nhà cao tầng. Tuy nhiên, sự nguyên bản hầu như không còn nữa.

Hệ kết cấu kèo gỗ ít được sử dụng, thay thế vào đó là mái bê tông dán ngói, hay hệ khung thép lợp ngói, phủ tấm lợp. Những công trình quay trở về với đúng “thức” mái dốc truyền thống, kể cả với những vật liệu tự nhiên như tranh tre, lá dừa… phần nhiều là các công trình nhỏ không vĩnh cửu như nhà hàng, quán cà phê…

Bên cạnh đó, với những vật liệu mới, kết cấu mới, công nghệ xây dựng hiện đại, nhiều dạng mái mới đã và đang được ứng dụng nhiều trong các công trình xây dựng từ quy mô nhỏ đến lớn. Mái kính được sử dụng khá nhiều để khai thác ánh sáng và hiệu quả không gian nội thất. Mái giàn thép không gian cũng đang được ứng dụng khá nhiều trong các công trình công cộng, công nghiệp.

Mái Trung tâm hội nghị Quốc gia (Hà Nội) với hình tượng sóng Biển Đông

“Mái xanh” hay “vườn trên mái” là một xu hướng đang phát triển với tinh thần hướng tới thiên nhiên và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên ở nước ta “mái xanh” vẫn chỉ là những mảng xanh nhỏ lẻ trên mái mang tính trang trí, chưa có nhiều nghiên cứu đầy đủ và đột phá ở khía cạnh kiến trúc - môi trường.

Sự trở về với kiến trúc truyền thống và niềm trăn trở của giới kiến trúc sư nói chung về một cái gọi là bản sắc kiến trúc là một điều đáng mừng, nhưng cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn khi mà vật liệu và công nghệ vẫn đang ầm ầm tiến về phía trước.

Mái nhà, mái ấm và những giấc mơ

Từ xưa, cha ông ta đã rất coi trọng mái nhà. Mái nhà là yếu tố rất quan trọng của công trình và có ý nghĩa văn hoá cao. Trong quá trình thi công xây dựng, công đoạn thi công mái luôn được chú trọng - đặc biệt việc “cất nóc” được thực hiện với nghi lễ trang trọng. Lễ cất nóc là thời điểm đánh dấu công trình hoàn thành về mặt tinh thần.

Đã có nhiều ca dao tục ngữ nói về mái nhà hoặc có hình tượng mái nhà như: “Con không cha như nhà không nóc”, “Ngó lên nuộc lạt mái nhà/ Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”… hay mượn mái nhà để nói về quan điểm sống: “Một mái nhà tranh hai trái tim vàng”…

Mái nhà vượt ra ngoài khái niệm là một thành phần, một bộ phận kiến trúc; mái nhà trở thành hình tượng, ý niệm về gia đình, về sự sum họp quây quần. Mái nhà là nơi trở về. “Chung một mái nhà” thể hiện một tình đoàn kết, tình cảm gắn bó và đồng thuận trong suy nghĩ. Mái nhà - mái ấm luôn là khát vọng muôn đời.

Mái nhà có lẽ cũng là “bộ phận kiến trúc” có mặt nhiều nhất vào thơ ca, âm nhạc..

Mái nhà đọng trong ký ức, đi vào giấc mơ, tiềm thức của mỗi con người…

“Dưới mái nhà
Một người đang ngủ
Mơ giấc mơ của những vì sao
… (Giấc mơ – Văn Cao)”

Phân loại mái nhà

Theo hình thức: có hai loại là mái bằng và mái dốc

+ Mái bằng: Mái nằm song song với phương mặt đất với độ dốc được coi như bằng 0 độ, độ dốc đủ để thoát nước bề mặt, không có ý nghĩa tạo hình kiến trúc. Mái bằng có ưu điểm tạo được sàn có thể để các cấu kiện, vật dụng khác trên mái (bể nước…), dễ di chuyển, thao tác trên mái khi có sự cố.

Mái dốc với vật liệu mới (Khách sạn InterContinental – Hà Nội)

+ Mái dốc: Mái được tạo với phương ngang một góc nhất định. Tuỳ loại vật liệu lợp mái và vật liệu khung mái cùng độ rộng diện tích che phủ mà mái có độ dốc khác nhau. Mái nhà tranh, tre, nứa, lá có độ dốc từ 33 – 45 độ, mái ngói trong kiến trúc dân gian truyền thống có độ dốc từ 30 – 33 độ, mái nhà Rông Tây Nguyên dốc tới 70 – 80 độ, mái tôn có độ dốc thấp hơn – khoảng 12 – 15 độ.

Các loại vật liệu lợp mái ở mái dốc cũng có những hệ kết cấu tương ứng. Nếu vật liệu lợp mái là tranh thì sử dụng kèo tre, lợp ngói thì ứng với kèo gỗ, mái tôn được sử dụng với hệ kèo thép… Mái dốc về cơ bản khó di chuyển, thao tác trên bề mặt và không tận dụng được diện mái như mái bằng. Mái dốc góp phần tạo hình kiến trúc.

Theo kết cấu:

+ Mái bê tông cốt thép: Là mái được đổ bê tông toàn khối hoặc lắp ghép những cấu kiện bê tông (panel). Mái bê tông cốt thép có ưu điểm bền vững, chịu tải tốt nhưng nhược điểm là khó có khả năng tháo lắp khi cần di chuyển hay phá dỡ công trình.

+ Mái khung (giàn) phẳng (với vật liệu tre – gỗ, thép): Là những dạng mái sử dụng kèo, vì kèo, tường thu hồi… chịu lực cùng các lớp kết cấu khác (tuỳ loại vật liệu lợp mái). Mái ngói có các lớp kết cấu: vì kèo, hoành, rui, mè (hoặc vì kèo, xà gồ, cầu phong, litô), mái tôn có các lớp: vì kèo, xà gồ… Loại mái này dễ tháo lắp các cấu kiện.

+ Mái giàn không gian (hay còn gọi là giàn thép không gian): Hiện nay mái giàn không gian được sử dụng nhiều trong các công trình cần không gian lớn như ga hàng không, triển lãm, sân vận động, nhà thi đấu… Giàn không gian cho phép vượt được những nhịp lớn và khá linh hoạt trong giải pháp tổ hợp hệ khung cũng như việc tháo lắp, di chuyển.

+ Mái có kết cấu đặc biệt: Các dạng mái kết cấu vỏ mỏng, dây treo…

Theo vật liệu:

Có thể phân loại theo vật liệu lợp mái hay kết hợp cả vật liệu của kết cấu chịu lực mái: ví dụ như mái bê tông, mái ngói, mái kính, mái thép – kính, mái gỗ – kính, mái bê tông – ngói… Hiện nay trên thị trường các loại ngói và tấm lợp mái rất đa dạng. Việc lựa chọn một hình thức mái và vật liệu mái cần dựa trên nhiều yếu tố: thẩm mỹ kiến trúc, kỹ thuật, kinh tế.

Mái kính kết cấu giàn không gian (Nhà ga T1 Nội Bài - Hà Nội)

Mái và chủ nghĩa biểu hiện trong kiến trúc

Như phần trên đã đề cập: mái góp phần lớn trong việc tạo nên hình thức công trình. Hình hài, đặc trưng của công trình, hình thái kiến trúc và cảnh quan tổng thể nhiều khi được thể hiện, biểu lộ phần lớn qua mái. Chính vì lẽ đó, từ xưa đến nay các kiến trúc sư vẫn dành nhiều tâm sức sáng tạo cho mái nhằm đạt được yếu tố thẩm mỹ nhất định cho công trình; và cao hơn là vươn tới một sự khái quát, tư tưởng cần biểu đạt.

Chủ nghĩa biểu hiện trong kiến trúc ở trên thế giới cũng như Việt Nam cũng khai thác nhiều yếu tố này. Ở cả ý nghĩa vị trí và không gian (nằm trên cao nhất) và cả yếu tố tinh thần thì mái là bộ phận kiến trúc rất phù hợp để biểu hiện. Từ những kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam, trên các chi tiết mái, trên các hệ vì kèo kết cấu được trang trí các hoa văn, hoạ tiết thể hiện quan niệm, ước mơ, khát vọng của con người.

Trên thế giới nhiều công trình có những hình thức mái độc đáo đã trở thành những kiệt tác kiến trúc của chủ nghĩa biểu hiện. Có thể kể tới công trình Nhà thờ Ronchamp (Pháp) của kiến trúc sư người Pháp Le Corbusier với mái nhà độc đáo - gợi nhiều liên tưởng tới những sự vật khác nhau; hay công trình Nhà hát Opera Sydney (Australia) của kiến trúc sư người Đan Mạch Jorn Utzon với hình ảnh những cánh buồm (hay con sò) bên bờ biển…

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là kết cấu xây dựng; một số công trình ở Việt Nam cũng đã có những hình thức mái độc đáo theo chủ nghĩa biểu hiện. Công trình Trung tâm hội chợ triển lãm Hải Phòng (KTS Nguyễn Tiến Thuận) có mái giàn không gian như một cánh diều, hay con tàu. Công trình Trung tâm hội nghị Quốc gia (KTS Meinhard von Gerkan và KTS Nikolaus Goetze - Đức) với mái cách điệu từ hình tượng sóng biển Đông…

Bài và ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh
Theo báo Sài gòn Tiếp thị

7.8.09

Nhà đất sẽ "dễ thở" hơn vào cuối năm

Một kịch bản khá “lành” cho thị trường bất động sản vào những tháng cuối năm đang được nhiều chuyên gia ủng hộ.

Nhận định trên được xâu chuỗi từ rất nhiều yếu tố hợp lại, từ diễn biến của nền kinh tế, tâm lý của nhà đầu tư đến những chính sách quản lý của Nhà nước. Dường như, mọi yếu tố trên đang ủng hộ cho một tương lai sáng sủa cho thị trường bất động sản vào cuối năm theo đúng nghĩa đích thực.

Khách hàng sẽ "khôn" hơn

Tổng kết thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm của nhiều công ty chuyên ngành cho thấy, trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là trong quý 1, ngoại trừ phân khúc căn hộ trung và cao cấp tương đối bình lặng, phần còn lại đều tăng giá mạnh, gần đạt đến đỉnh của năm 2007.

Đà tăng giá chỉ được chấm dứt từ cuối tháng 6 vừa qua bằng việc giá nhà đất của nhiều dự án đã bắt đầu có xu hướng giảm, tỷ lệ giao dịch thành công trên thị trường cũng chững lại theo. Nguyên nhân có thể là do giá đất được đẩy quá cao trong một thời gian ngắn phần nào đã tác động đến sức mua của thị trường.

Bình luận về diễn biến của thị trường trong thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, không phủ nhận thị trường bất động sản ấm lên một phần do nhu cầu thật, song ở đó có tác động từ những nguyên nhân khác nữa, trong đó yếu tố đầu cơ giữ vai trò quan trọng.

Thế nhưng, khảo sát của Công ty Chứng khoán Âu Việt cho thấy, thị trường bất động sản trong nửa đầu năm nay xảy ra những hiện tượng kỳ lạ. Đó là, khi giá bất động sản giảm mạnh, có nơi tới 50% nhưng phần lớn người có nhu cầu vẫn chần chừ, nghe ngóng, chờ đợi giảm giá tiếp. Song, khi thị trường tăng giá trở lại thì nhiều người lại vội vàng đi mua vì sợ giá tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Bình luận về hiện tượng trên, ông Holger Molendyk, Giám đốc Đầu tư và Phát triển Kinh doanh (Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng) cho rằng, chính tâm lý đám đông, thiếu tính quyết đoán trong việc mua bán bất động sản của phần lớn người dân trong thời gian qua đã góp phần làm cho thị trường diễn biến bất thường theo hướng không có lợi cho người mua.

Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Vinaland, những kiến thức và kinh nghiệm của khách hàng hiện nay đã được cải thiện rất nhiều so với thời gian trước đây. Những quyết định mua bán chớp nhoáng sẽ ngày càng ít đi, thay vào đó là sự cân nhắc thận trọng khi mua một căn nhà để kinh doanh hay để ở.

Ổn định nguồn cung

Theo dự báo, trong những tháng còn lại, nguồn cung cho thị trường bất động sản sẽ được cải thiện đáng kể, đặc biệt là nhà ở xã hội. Cùng với đó, Nhà nước cũng sẽ tiếp tục mở rộng các hình thức cung cho thị trường như: nhà giá rẻ, nhà cho thuê, nhà bán trả góp…Dự kiến giai đoạn 2009 -2015 sẽ xây dựng 148.000 căn hộ, tương đương 9.580.000 m2 sàn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia chương trình này sẽ nhận được hàng loạt ưu đãi như giảm thuế, miễn tiền thuê đất, được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, sử dụng đất…

Đối với thị trường văn phòng cho thuê được dự báo là giá tiếp tục giảm do nguồn cung mới dồi dào. Trong khi đó, những doanh nghiệp lớn trong nước phần lớn đã có sẵn trụ sở, họ cũng sẽ không sẵn sàng thuê thêm vào thời điểm này. Còn các công nhỏ và vừa thì họ sẽ thuê căn hộ hoặc biệt thự để tiết kiệm chi phí.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, người dân thắt chặt chi tiêu đã khiến phân khúc này không còn sôi động như trước. Hơn nữa, khi mà nền kinh tế chưa có nhiều chuyển biến, nhiều doanh nghiệp đã và sẽ không còn mạnh dạn mạo hiểm đầu tư sẽ giúp giá thuê mặt bằng kinh doanh ổn định hơn trong những tháng cuối năm.

Ở phân khúc thị trường căn hộ và đất dự án được dự báo cũng sẽ khá ổn định về giá, có chăng chỉ tăng nhẹ cục bộ ở một vài phân khúc có hạ tầng tốt.

Nhà nước quyết tâm hơn

Ở góc độ quản lý, nhiều chuyên gia cho rằng, chắc chắn Nhà nước sẽ không có động lực làm tăng giá bất động sản vào lúc này, khi mà chúng ta đang ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng (một phần quan trọng của gói kích cầu). Hiện vẫn có rất nhiều dự án hạ tầng vẫn chậm tiến độ do vướng ở đền bù, giải tỏa, nếu tăng giá bất động sản sẽ làm tăng chi phí cho những hạng mục trên.

Theo ông Phạm Văn Hải ,Tổng giám đốc Công ty Địa ốc ACB, từ đây đến cuối năm, giá nhà đất trên thị trường sẽ tiếp tục bình ổn, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng sàng lọc. Hiện vẫn có hiện tượng giá đất dự án đang tăng, nhưng chủ yếu là tăng giá đón đầu làn sóng chuyển đổi kênh đầu tư.

Một số chuyên gia về thị trường bất động sản cũng cho rằng, tình hình điều kiện kinh tế của thời điểm hiện nay và thời điểm cuối năm 2006, đầu 2007 là rất khác nhau, vì vậy trong những tháng cuối năm khó có khả năng hình thành một cơn sốt nhà đất mới.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, dù thị trường bất động sản mới chỉ đóng góp khoảng 10% cho GDP, nhưng ảnh hưởng và tầm quan trọng của thị trường này đối với nền kinh tế là rất lớn.

Chính vì thế, những biến động bất thường của thị trường đều được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Việc siết chặt tín dụng bất động sản khi thị trường xuất hiện hiện tượng sốt ảo hiện nay là minh chứng đầu tiên cho quyết sự quan tâm này.

Bên cạnh đó, việc quyết tâm kiểm soát buộc các giao dịch bất động sản phải qua sàn với nhiều hình thức xử phạt nặng hơn, không cấp sổ đỏ, phạt 50 -70 triệu đồng… sẽ được cơ quan quản lý triệt để áp dụng.

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, nhiều khả năng Chính phủ cũng sẽ củng cố các chính sách thuế nhằm kiểm soát thị trường bất động sản nhằm hạn chế giới đầu cơ, một tác nhân không nhỏ trong những cơn sốt vừa qua.