1.7.09

Ngói lợp Hương Canh: vang bóng một thời

(ANTĐ) - Gạch, ngói và gốm Hương Canh đã từng nổi danh cách đây gần 300 năm, ngược xuôi sông Hồng đến khắp các vùng trên cả nước. Nhắc đến ngói Hương Canh - Bình Xuyên, Vĩnh Phúc có lẽ không một làng gạch, ngói và gốm nào mà không phải vị nể, bởi, ngói của Hương Canh lợp nhà đến 50 năm vẫn không bị mủn, vỡ. Song, Hương Canh bây giờ không còn đất để nung gạch, ngói, gốm.

Đất trồng lúa cũng thành gạch, ngói

Người Hương Canh nhớ lại một thời vàng son của mình, cách đây khoảng chục năm, người nơi khác đến Hương Canh không thể ở lâu hơn 1 tiếng, bởi, ngày đó, cả xã Hương Canh như một đại công trường gạch, ngói ngày đêm đốt lửa, xả khói hầm hập. Về Hương Canh bây giờ, đâu cũng chỉ còn lại những lò gạch lạnh ngắt.

Trò chuyện với bất kỳ người dân nào nơi đây cũng thấy sự tiếc nuối hiển hiện ngay trên từng gương mặt. Được hỏi, ai cũng say sưa kể về thời ngói Hương Canh còn nức tiếng xa gần, làng Hương Canh ngày đêm sôi động, tấp nập.

Song, tất cả chỉ còn là ký ức bởi hầu hết người dân nơi đây đều biết rằng, không thể quay lại ngày xưa. Hơn thế nữa, đất làm gạch, ngói giờ đã hết, không thể đào mãi đất nông nghiệp lên mà nung gạch, ngói được nữa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh, xóm Lò Cang, người có thâm niên gắn bó với nghề gạch, ngói và gốm từ thời tóc còn để chỏm tiếc nuối, theo sử sách ghi lại thì ngói và gốm Hương Canh đã có thâm niên gần 300 năm nay nhưng căn cứ vào một số di chỉ tìm thấy thì có lẽ còn lâu hơn.

Ban đầu, người Hương Canh làm vại sành. Vại sành Hương Canh nức tiếng xa gần, rồi dần dần người làng chuyển sang làm gốm. Gốm Hương Canh là thứ gốm sành thô, không dùng màu ngoài, chỉ dùng lửa để tạo nên 2 màu sắc đặc trưng: Xanh và nâu đất. Song, không vì thế mà gốm sành Hương Canh chịu lép vế trước các thương hiệu gốm khác, có lẽ chính sự giản dị, mộc mạc đã làm nên điểm đặc biệt.

Ông Thanh tự hào: “Gốm sành này chỉ có đất tại Hương Canh mới làm nên được, đặc biệt là 2 màu đặc trưng thì không thể lẫn với bất kỳ làng gốm khác”, rồi ông nhớ lại: “Bước vào thời kỳ đổi mới, cả làng, cả xã Hương Canh nhà nhà mở lò nung ngói, hàng trăm lò ngói thi nhau đốt cháy bầu không khí”.

Khi nhà lợp ngói không còn được ưa chuộng, người Hương Canh đã nhanh nhạy nắm bắt thị trường, chuyển sang nung gạch. Số hộ mở lò nung gạch nhiều như làm ngói, không những vậy, gạch còn dễ làm và cho lãi cao nên càng khiến người dân đổ xô nung gạch.

Rồi một ngày, người dân Hương Canh mới giật mình vì tốc độ phát triển các lò gạch, ngói quá nhanh, “ăn” quá nhiều đất nông nghiệp, hết lớp này đến lớp khác thành ao, thành hồ. Trong khi đó, xã lại không hề có nơi quy hoạch để lấy đất làm gạch, ngói, cho nên các lò toàn đi đào đất trộm để nung gạch, ngói.

Ông Thanh cho biết: “Có khi chỉ qua 1 đêm 1 sào đất nông nghiệp (360m2) đã bị đào trộm hết để đem bán cho người nung gạch, ngói”. Không còn cách nào, người Hương Canh phải đi sang các làng, xã lân cận để mua từng xe đất về nung gạch. Nhưng, với hàng trăm lò gạch đốt ngày đêm, đất các làng lân cận cũng không còn và cũng từ đây, gạch ngói Hương Canh chính thức bị xóa sổ.

Bây giờ, đến đất làm gốm cũng phải đi mua, mà không phải mùa khai thác thì mua được một xe đất về làm gốm cũng không hề đơn giản chút nào. Ông Thanh tiếc nuối: “Vừa rồi có một hợp đồng từ phía Hàn Quốc đặt với số lượng lớn, xưởng gốm gia đình tôi không thể đáp ứng đúng thời gian giao hàng, mà đất làm gốm lại phải đi mua, không chủ động được nên đành phải bỏ”.

Hết thời gạch, ngói Hương Canh

Không có đất để sản xuất gạch, gốm, người dân Hương Canh đang bị nạn thất nghiệp đe dọa trầm trọng. Người dân từng ngày mong ngóng một khu quy hoạch phát triển làng nghề, có một nơi khai thác đất, một khu đốt lò tập trung để có thể khôi phục nghề gạch, ngói, gốm truyền thống.

Không những vậy, người dân cũng bớt được gánh nặng thất nghiệp hàng loạt đang lơ lửng trên đầu. Song, điều này cũng không hề đơn giản bởi, theo ông Nguyễn Hữu Sản - Chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh thì phần lớn đất đã và đang được tỉnh quy hoạch, thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Sản cho biết: “Quanh khu vực Hương Canh giờ đã bị khu công nghiệp bao vây kín hết.

Trong khi đó, khu vực nào đất có thể làm gạch thì đã đào bới hết cả. Bây giờ, thị trấn chỉ còn lại ít đất lúa, nếu cứ tiếp tục lấy đất lúa để làm gạch thì lại không có lương thực. Phải đảm bảo lương thực đã. Bởi thế, đất để sản xuất gạch đang là vấn đề nóng bỏng của địa phương hiện nay”.

Ông Sản tỏ ra lo lắng khi đề cập đến vấn đề “khai tử” nghề gạch, ngói, gốm, bởi nó cũng đồng nghĩa với việc không ít lao động sẽ thất nghiệp, “không có việc làm đang là nỗi lo đè nặng hàng loạt nông dân trong làng” - ông Sản nói.

Ngân Tuyền - An Ninh Thủ Đô Online
Ảnh minh họa: vnphoto.net

1 comment:

  1. Nguyen Van Dung21/11/2010, 08:54

    van de dat ra o day la gach, ngoi huong canh noi tien la nho vao nguyen vat lieu dat huong canh hay bi quyet nung gach, ngoi o Huong Canh? Lieu co the lay lai thuong hieu nay bang cach san xuat gach, ngoi tren mot khu vuc khac duoc khong??( cac Huyen lan can chang han)

    ReplyDelete